Vé máy bay đi Côn Đảo giá cao mà vẫn khó đặt.
Vì sao vé máy bay đi Côn Đảo ‘chát’ mà vẫn khó mua?
Chỉ có một hãng bay là VASCO độc quyền nên hành khách rất khó khăn khi tìm mua vé máy bay đi Côn Đảo dù giá vé rất “chát”. Vì sao các hãng bay khác muốn bay mà không được?
Câu trả lời là tình trạng này khó thay đổi ngay vì hạ tầng sân bay không đáp ứng được dù nhu cầu được công nhận là rất lớn.
Vé giá cao vẫn khó đặt
Hiện chặng bay đi/đến Côn Đảo chỉ có duy nhất Công ty Bay dịch vụ hàng không – VASCO (công ty thành viên của Vietnam Airlines) khai thác. Đường bay đến cũng hạn chế với chặng Cần Thơ – Côn Đảo, TP.HCM – Côn Đảo nên giá vé máy bay ít khi có khuyến mãi.
Ông Ngô Công Dũng (Buôn Ma Thuột) cho biết mỗi lần đi Côn Đảo ông thường phải đặt trước 1 tháng mới có vé. Đặc biệt, giá vé từ TP.HCM – Đà Nẵng hay Nha Trang… của Vietjet, Jetstar có thể ở tầm 500.000 – 800.000 đồng/chuyến, trong khi chặng TP.HCM – Côn Đảo của VASCO với giá thường trên 1 triệu đồng/chuyến.
Chị N.T.Tuyền (TP.HCM) cũng mệt mỏi khi vừa có chuyến bay “nhớ đời” với VASCO. Ngày 17-3, cả 114 khách đã mắc kẹt ở Côn Đảo vì máy bay lỗi kỹ thuật và không thể có chuyến thay thế. Khách bị buộc phải ở lại qua đêm. Do phòng khách sạn không đủ dịp cuối tuần, nhiều người phải ở chung đông người.
“Muốn về lại TP.HCM nhưng không có hãng bay nào khai thác chặng bay này nên buộc phải chờ đợi mệt mỏi, trễ nải công việc” – chị Tuyền nói.
Ghi nhận trên website của Vietnam Airlines cho thấy chuyến bay từ TP.HCM – Côn Đảo chỉ một số chuyến còn ít chỗ với giá 1,8 triệu đồng/chuyến, còn lại hầu hết trong tình trạng hết vé đến… cuối tháng 4-2018.
Nhu cầu lớn nhưng không dễ bay
Sân bay Côn Đảo là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự và chỉ hoạt động 12/24 giờ.
Tuyến bay TP.HCM – Côn Đảo và ngược lại được VASCO khai thác từ năm 2004 với tần suất 2 chuyến/tuần, năm 2007 tăng lên 7 chuyến/tuần.
Đại diện VASCO xác nhận đang là đơn vị duy nhất khai thác chặng bay đi/đến Côn Đảo với máy bay ATR-72. Thời gian cao điểm hãng khai thác 8 – 10 chuyến/ngày nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến của hành khách.
Lý do đường băng tại đây ngắn nên chỉ khai thác bằng các máy bay nhỏ ATR-72 mà không thể khai thác bằng máy bay lớn hơn.
Đã có nhiều trường hợp khách mắc kẹt tại Côn Đảo nhiều ngày liền. Đại diện VASCO cho biết nhất là trường hợp gặp biển động, tàu không đi được, khách chuyển sang đi máy bay, sẽ xảy ra tình trạng quá tải, hãng không đáp ứng được.
Mỗi ngày VASCO phục vụ khoảng 500 – 600 khách. Máy bay thường đặt hai chiều nên rất khó điều thêm máy bay khi hãng chỉ có tất cả 8 máy bay.
Chỉ trừ trường hợp khẩn cấp hãng mới cho máy bay rỗng ra Côn Đảo để đón khách về, tuy nhiên thiệt hại cho hãng cũng khá nhiều.
Vị này công nhận hiện nhu cầu của hành khách bay đến Côn Đảo rất lớn nhưng cảng hàng không Côn Đảo lại chưa có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Do đó, chuyến bay cất cánh cuối cùng từ Côn Đảo về TP.HCM trước 16h.
“Bây giờ nhu cầu có cao đi chăng nữa, với cơ sở hạ tầng và đội bay cũng không thể bay được nhiều để đáp ứng nhu cầu của khách hàng” – vị này nói.
Theo Cục Hàng không VN, sân bay Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) cũng chỉ có thể khai thác được máy bay ATR-72 của VASCO và tương đương trở xuống, không lắp đặt được đèn đêm và các trang thiết bị đường dẫn hiện đại.
Khó thúc đẩy bay đêm vì tốn kém
Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) – đơn vị quản lý khai thác vận hành 21 cảng hàng không, sân bay Côn Đảo có vị trí đặc thù ở giữa thung lũng, hai bên là núi cao và hai đầu giáp biển.
Ông Đỗ Tất Bình – Phó tổng giám đốc ACV – thừa nhận sân bay Côn Đảo thiếu đèn chiếu sáng vào ban đêm và ACV cũng rất “đau đầu” khi nghiên cứu mở rộng sân bay này.
Theo ông Bình, đơn vị này từng nghiên cứu kéo dài đường băng để cho các dòng máy bay lớn có thể đáp xuống.
Tuy nhiên, nếu ở đất liền sẽ dễ dàng cắm đèn chiếu sáng, còn ở ngoài biển rất khó. Ông Bình lý giải không đơn giản dựng trụ ngoài biển để lắp đèn.
Dòng chảy nước biển rất phức tạp, đắp được bao nhiêu là nước xoáy cuốn đi hết, trong khi chi phí lắp đèn chiếu sáng quá tốn kém.
Nếu xây hai đầu sân bay để lắp đèn chiếu sáng sẽ tốn kém rất nhiều. Với đặc thù như sân bay Côn Đảo không thể bay ban đêm được.
Dù đại diện VASCO cho rằng nhu cầu lớn nhưng ông Bình vẫn khẳng định: “Nếu lượng khách đến Côn Đảo tăng mạnh trong vài năm tới, tính toán chi phí có thể bù đắp được, ACV sẽ đầu tư mở rộng sân bay này để máy bay lớn có thể đáp được. Còn thời điểm này không đầu tư nổi vì quá tốn kém”…
Phải chờ đến năm 2020
Vài năm gần đây, lượng khách bay ra Côn Đảo tăng mạnh. Theo quy hoạch, đến năm 2025 cảng hàng không Côn Đảo chỉ đạt 500.000 hành khách/năm. Tuy nhiên năm 2017 đã đạt khoảng 400.000 hành khách/năm.
Một lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết đơn vị này vừa trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Côn Đảo giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sân bay Côn Đảo sẽ được điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng cấp từ 3C (chỉ khai thác được máy bay ATR-72) lên cảng hàng không nội địa cấp 4C để đón được máy bay mới nhất đang được các hãng khai thác.
Đến năm 2020 sẽ mở rộng đường cất/hạ cánh hiện hữu, xây dựng nhà ga mới công suất 2 triệu hành khách/năm… cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
vehaiduong.vn