Săn vé máy bay rẻ dịp Tết, cẩn thận bị lừa
Thống kê cho thấy, lượng vé máy bay cung ứng dịp Tết vẫn còn khá nhiều, tuy nhiên số vé rẻ đang “cạn dần”. Hành khách cần cẩn trọng khi đặt vé giá rẻ để không mắc bẫy, mua phải vé giả.
Hành khách cần cảnh giác khi nhận được những lời mời chào mua vé máy bay giá rẻ và trước khi đặt vé nên liên hệ với hãng hàng không để xác minh hoặc phải mua vé ở những phòng vé uy tín "có địa chỉ, số điện thoại cụ thể" (Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục lên tàu bay tại sân bay quốc tế Nội Bài) - Ảnh: Thanh Bình |
Vẫn còn hơn một nửa số vé Tết chưa được bán
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, dự báo lượng khách đi lại bằng đường hàng không dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2018 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, cơ quan này đã chủ trương tăng chuyến bay, số ghế cung ứng.
Số liệu từ Cục Hàng không VN cho thấy, tính đến 31/1, tổng số tải cung ứng toàn mạng của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn cao điểm Tết (từ ngày 30/1 - 04/3) là 5,1 triệu ghế, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng số tải cung ứng nội địa đạt 3,7 triệu ghế, tăng 7,5%; tổng tải cung ứng quốc tế đạt 1,4 triệu ghế, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Có nhiều loại vé máy bay với các mức giá khác nhau để hành khách lựa chọn, với mỗi loại vé đều có các điều kiện sử dụng nhất định. Khi mua vé, ngoài việc kiểm tra các thông tin trên vé như: Họ tên, hành trình, ngày giờ khởi hành, hành khách nên nghiên cứu kỹ điều kiện của vé (có được thay đổi chuyến bay, họ tên… hay không? Nếu được, phải trả thêm tiền hay không? Việc hoàn vé thế nào?...). |
Cũng theo Cục Hàng không VN, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 44% tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng trong giai đoạn cao điểm Tết chưa được bán. Trong đó, nội địa còn 49% và quốc tế còn 29%. Trên trục TP.HCM – Hà Nội vốn là trục bay đông đúc nhất, Cục Hàng không VN cho biết, giá vé của Vietnam Airlines thấp nhất là 800.000 VND và cao nhất 3.150.000 VND; của Vietjet Air là 399.000 VND và 2.870.000 VND; của Jetstar Pacific là 2.300.000 VND và 3.000.000 VND (các mức giá trên chưa bao gồm thuế, phí theo quy định).
“Các hãng hàng không đang tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản lý giá cước vận tải hàng không nội địa, không có hãng nào bán vé vượt quá giá trần. Các hãng hàng không công khai bảng giá vé và số chỗ tại các quầy bán vé giờ chót tại các cảng hàng không, sân bay và hiển thị trên màn hình số chỗ còn trên mỗi chuyến bay”, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường khẳng định.
Dù lượng vé máy bay còn rất nhiều, nhưng theo khảo sát của PV, trên các trang bán vé trực tuyến, lượng vé rẻ không còn nhiều. Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) Trịnh Ngọc Thành cho biết, khách mùa cao điểm Tết kéo khá dài (từ 30/1 – 4/3), tuy nhiên lượng khách tập trung chủ yếu trong 2 tuần trước và sau Tết Nguyên đán. Giá vé tuỳ thuộc vào từng ngày.
“Không phải ngày nào Vietnam Airlines cũng bán giá đầy đủ. Điều này có nghĩa là khách hàng vẫn còn cơ hội mua vé rẻ, tuy nhiên phải chấp nhận đi lệch ngày cao điểm. Tất nhiên, mua càng sớm, giá càng rẻ. Càng gần Tết, lượng vé rẻ sẽ cạn dần”, ông Thành thông tin.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: Tạ Tôn |
Cẩn thận kẻo bị lừa mua vé giả?
Một điểm đáng chú ý là trong vài năm trở lại đây, dịp cao điểm Tết, có không ít khách hàng gặp phải hành vi lừa đảo trong bán vé, mua phải vé giả. Ông Võ Huy Cường cho biết, cách thức chủ yếu để các đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giả chủ yếu thông qua việc lợi dụng các chính sách bán vé của từng hãng khác nhau.
Cụ thể, lợi dụng chính sách hoàn vé của Vietnam Airlines (khách hàng không đi có thể hoàn vé và chỉ phải trả vài trăm nghìn đồng), kẻ xấu đã rao bán vé máy bay với giá rẻ (rẻ hơn giá mà hãng đưa ra) để đánh vào tâm lý của khách hàng là mua được vé giá hời.
Thực tế, đối tượng lừa đảo vẫn đặt vé cho khách hàng theo đúng hành trình mà khách hàng đưa ra và thanh toán như bình thường. Khi khách hàng nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới Vietnam Airlines để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Khách hàng không nhận được thông tin nào là vé máy bay của mình đã được hoàn vé. Chỉ đến khi đến sân bay làm thủ tục check-in mới biết được vé máy bay không còn hiệu lực.
Với các hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific, các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng chính sách đổi tên. Trong trường hợp này, vé vẫn là vé thật. Tuy nhiên, sau khi bán cho khách, đối tượng lừa đảo tiếp tục rao bán. Khi có khách mua, chúng sẽ gửi yêu cầu lên hãng tiến hành đổi tên. Cứ thế, với 1 chiếc vé, đối tượng có thể bán cho cả chục người. Được biết, mức phí mỗi lần đổi tên là 275.000 đồng cho chặng bay nội địa, điều kiện là thực hiện trước 3 giờ so với giờ khởi hành.
Tất nhiên, theo ông Cường, những trường hợp lợi dụng chính sách đổi tên không nhiều vì khả năng giữ được chỗ trong chuyến bay rất thấp do trong dịp Tết, lượng đặt chỗ rất đông.
Để phòng tránh mua vé máy bay giả, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar khi trao đổi với Báo Giao thông đều thống nhất quan điểm khách hàng nên mua vé của các đại lý chính thức, có danh sách trên website của mỗi hãng. Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức, nên xem thông tin kỹ trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Cùng đó, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đặc biệt, khách hàng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng; Tự đặt vé cho chính mình và không nên tham vé máy bay quá rẻ. Nếu bạn nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé và kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo.
Phó tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Nguyễn Tuấn Anh khuyến cáo: Bất kể khi nào thấy nghi ngờ với giá vé, khách hàng có thể liên hệ lại với hãng để kiểm tra thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Danh sách của các văn phòng bán vé, đại lý chính thức được công bố trên trang thông tin điện tử của các hãng hãng hàng không. Hành khách có thể kiểm tra thông tin về đại lý của hãng hàng không qua Trung tâm Hỗ trợ khách hàng (call center) của hãng.
Ngày: 05/02/2018. www.vehaiduong.vn